Liêm sỉ và “cái tôi xấu xí”: Cuộc đấu khó bề cân sức

Thứ năm - 03/05/2012 16:35

Minh họa

Minh họa
Liêm sỉ là đức tính của người trong sạch và biết tránh những điều làm cho mình phải xấu hổ. Định nghĩa chỉ ngắn vậy thôi, nhưng làm và giữ cho mình được là con người có liêm sỉ như thế suốt đời âu cũng lại là chuyện vốn không dễ từ xưa tới nay.
(minh họa: Ngọc Diệp)
 
Cái tôi… xấu xí
 
Đề cập tới vấn đề liêm sỉ thời nay, tác giả blog Bùi Hoàng Tám như đã khơi đúng một mạch ngầm ùn ứ đã lâu, giờ được dịp tuôn trào. 
   
Dao phân tích vấn đề một cách khá thấu đáo, với lời nhắn nhủ “Xin đừng nhìn cuộc sống quá hiện thực!”:
 
Vấn đề Blog đưa ra là một chuyện phổ biến mà người có tâm sẽ gọi đó là 1 “vấn nạn quốc gia”. Điều này có từ hai phía:
 
Thứ nhất, từ chính cán bộ công chức, không xác định được vị trí của mình là người công bộc của dân chứ không phải là quan trên đe nẹt nhân dân.
 
Thứ hai, từ chính phía người dân, với thái độ tiếp cận với quan chức luôn nghĩ là hối lộ, đút lót sẽ được việc hơn, vô hình trung đã làm "hư" quan chức. Đồng thời làm câu chuyện tham ô, hối lộ trở nên rối ren.
 
Đồng ý là phải tăng cường giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ công chức. Song cũng cần chăm lo đời sống cho cán bộ công chức để họ không bị nặng nề mối lo miếng cơm manh áo, từ đó có thời gian, tâm huyết cho công cuộc xây dựng đất nước.
 
Xin đừng nhìn cuộc sống quá hiện thực!
 
Trần Văn Huy cũng nêu rõ “2 mặt của một tờ giấy”, nhưng phê phán nhiều hơn quan điểm sống của phía vốn ít phải gánh chịu búa rìu dư luận và lâu nay vẫn thường được “xử trắng án”. Đồng thời nhấn mạnh: thủ phạm chính là cái Tôi ích kỷ vẫn còn quá lớn, khiến không ít người VN trở nên “xấu xí” trong mắt bao người…
 
Trong câu chuyện này có 2 bên: Một bên là người nhận hối lộ và một bên là người đưa hối lộ. Mọi người chỉ thấy chỉ trích và phê bình bên nhận hối lộ, theo tôi như thế là không công bằng. Đầu tiên có trách thì nên trách bên đưa hối lộ. Họ là những người mà ta cho là nghèo, nhưng có phải họ nghèo thật không? Họ không nghèo về vật chất mà họ nghèo ở lương tri. Trong khi trình độ họ có nhưng không thể hơn người, thì họ dùng đến thủ đoạn Đút Lót để được nhận vào những vị trí mà đáng lẽ ra phải giành cho người giỏi. Họ làm mọi cách mua chuộc sếp của mình để được ưu ái, cân nhắc. Như thế bên đưa hối lộ có đáng phê bình không?
 
Hơn nữa lúc học, có ai nghĩ mình học để có cái nghề sau này kiếm cơm kiếm gạo nuôi bản thân không? Hay là cứ học để lấy cái bằng, còn khi ra trường lại bỏ tiền ra để chạy những công việc trái nghề nhàn hạ? Chính vì thế mà tỷ lệ làm đúng ngành nghề ở tất cả các trường trên toàn quốc là bao nhiêu %? Thử hỏi bên đưa hối lộ có lỗi không?
 
Còn bên nhận hối lộ thì khỏi phải nói. Khi có chức quyền trong tay họ muốn làm gì thì làm. Ngẫm vế đầu của câu: “Con Vua thì lại làm Vua...” mà thấy đúng quá. Những vị trí “Ngon” thì họ đặt con cháu họ vào, người ngoài muốn vào thì đương nhiên phải mất TIỀN. Thế nên tất cả cứ bó gọn trong mớ bòng bong hỗn độn. Sau đó lại trách móc, chỉ trích lẫn nhau. Ai cũng cho mình là đúng, cái tôi trong mỗi con người Việt Nam mình bây giờ lớn quá.
 
Tran Hong cố biện minh cho một tâm lý chung hiện đang khá phổ biến trong xã hội ta:
 
Nhiều khi mình cần phải “bôi trơn” để cho công việc chạy tốt, nên nghĩ rằng: "May mà họ chịu ‘ăn’, chứ không thì cũng hỏng việc". Có tham nhũng có khi còn là may, chứ không phải chỉ có dở không thôi đâu.
 
Trần Thị Hoa xác nhận những thực tế đau lòng với nhiều nghịch lý vẫn đang xảy ra ở nhiều nơi, trong nhiều lĩnh vực ở nước ta:
 
Tôi cũng là một công chức, tôi cũng thấy tình trạng tiêu cực như hiện nay là xảy ra hầu hết ở các cấp, ngành, trong cả lĩnh vực nhà nước cũng như tư nhân. Nhưng mình không phải là sếp hay quan chức, cho nên chỉ biết nhìn vậy thôi. 1 người đi xin việc hiện nay phải tốn 50 triệu, 70 triệu…. Nhưng các ông sếp đâu biết rằng số tiền đó gia đình họ phải tích cóp bao lâu nay, thậm chí phải cầm cố sổ đỏ, vay nóng, vay ngân hàng lãi suất cao. Các ông cầm đồng tiền đó mà không biết xót xa? Cuối cùng cũng chỉ khổ người nghèo, người dân thôi. Chứ con ông cháu cha thì  đã giàu có, nhưng xin việc thì đâu có tốn tiền vì lúc nào họ cũng được chừa ghế sẵn rồi...
 
Những khái niệm văn hóa lạ kỳ
 
Thời nay có nhiều cách giao tiếp rất lạ nhưng ngày càng phát huy tác dụng, mà trên hết vẫn là nhờ vào sức mạnh đồng tiền. Thậm chí tiền đã trở nên lấn át được cả những nguồn sức mạnh khác mà như dân gian đã tổng kết “nhất thân, nhì thế”.
 
Nick Công dân trong sạch dầu rất xa xót vẫn không thể không vạch rõ những dẫn chứng cụ thể ngay trong ngành vốn được coi là “cao quý trong những nghề cao quý”, nhưng giờ đây lại là một trong những ngành bị người dân kêu ca nhiều nhất vì có quá nhiều chuyện trái khoáy:
 
Tôi đã đang làm ở Bộ Giáo dục Đào tạo.  Ngành GD Việt Nam bây giờ có quá nhiều vấn đề thì ai cũng biết. Việc tiêu chuẩn hóa và số hóa sách giáo khoa là một ví dụ: lợi ích thì ai cũng biết, nhưng những nhóm lợi ích (như nhà XB, đầu nậu liên kết XB, nhóm biên soạn sách GK của Bộ..) thì phản ứng quyết liệt. VD nhóm biên soạn sách nói thế này: Tôi biết ta mua bản quyền của nước ngoài về dạy con trẻ thì lưng con trẻ đỡ gù hơn nhiều và xã hội và gia đình sẽ bớt nhiều gánh nặng... Nhưng nồi cơm của tôi thì ai lo?...
 
Các ông to ... thì tư duy nhiệm kỳ, các nhóm lợi ích trả lương và “lậu” cho họ...họ cũng ủng hộ các nhóm lợi ích ... Và kết quả là con cháu ta còn khổ, đất nước ta còn nghèo... Tôi cũng vì nồi cơm manh áo của vợ con mà chỉ dám nói ra ở đây ....Còn khi phát biểu chính thức thì phải tự dối lòng mình...vì tin ai ...ai tin bây giờ ?
 
Nick Đấu Văn Tranh nêu thêm một ví dụ đau lòng khác trong ngành giáo dục ở cấp huyện:
 
Tôi cũng trong ngành giáo dục, một nghề được coi là có văn hóa nhất trong tất cả các ngành. Thế mà lại vô cùng nhiều tệ nạn tham nhũng. Xin dạy hợp đồng cũng phải đút lót sếp. Do sức khỏe yếu, muốn được chuyển công việc phù hợp hơn (xin không chủ nhiệm, đi dạy giãn buổi) cũng phải đút lót. Thật đau lòng cho những giáo viên với đồng lương ít ỏi. Ngành giáo dục huyện chúng tôi là thế đấy!
 
Nguyên Anh  viết tiếp câu chuyện buồn về cái gọi là “văn hóa tình cảm” trong ngành GD từ một vùng biên giới xa xôi:
 
Bài viết rất có ý nghĩa! Cảm ơn tác giả đã nói hộ lòng tôi. Hiện nay tôi là 1 một nhà giáo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới của Tổ quốc. Học vị chuyên môn của tôi nằm trong tốp 3 ở huyện này (xin lỗi, tôi không muốn khoe ra). Tuy cuộc sống vật chất khó khăn, nhưng gia đình tôi không bận tâm lắm. Cái mà tôi thất vọng nhất là "văn hóa tình cảm". Tất thảy đều phải qua "phong bì" hết, từ đám cưới, đám ma, nhà mới, thôi nôi, đầy tháng, sinh nhật,  lễ mừng, xin việc, hồ sơ xin đất, vay vốn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại... Càng quen bì thư càng nặng, không có bì thư thì coi chừng... chết. Đây là hiện tượng tương đối phổ biến hiện nay đấy!
 
Nguyễn Thành Tâm nói về một tâm nguyện có lẽ cũng là của chung nhiều người, nhất là lớp trẻ trước cái gọi là “văn hóa quà biếu”:
 
Tôi là một chiến sỹ Công an nhân dân trẻ. Tôi rất tâm đắc với bài viết này, vì tôi thấy đây thực sự là thực trạng chung của chúng ta hiện nay. Làm sao để xóa bỏ vấn đề này? Đây là một câu hỏi hóc búa đòi hỏi sự nỗ lực phi thường, sự dám dấn thân của thế hệ trẻ chúng ta, nhất là thế hệ 8x, 9x...
 
Tôi cũng đã từng đi biếu quà sếp, tâm trạng tôi lúc đó rất lo lắng, sợ sếp không nhận quà vì nếu sếp không nhận thì tôi không thể yên tâm mà công tác. Đó là quan niệm sai trái của bản thân tôi. Chính tất cả chúng ta, những người thường đi biếu quà đã cùng làm nên một thứ mà có thể gọi là "văn hóa quà biếu" sai trái hiện nay.
 
Chúng ta hãy khoan trách những vị quan chức, mà hãy cùng đồng lòng dứt khoát quay lung với việc đi biếu quà và sẽ không nhận quà biếu nếu trở thành quan chức (hiện tại nếu không đi biếu quà thì cũng gần như là không thể trở thành quan chức). Tôi nghĩ đây mới là vấn đề căn bản. Tất cả chúng ta hãy nhìn nhận thẳng thắn vào vấn đề. Hãy làm cho cho các thế hệ trước chúng ta thay đổi và ủng hộ chúng ta. Đây cũng là tâm nguyện của đời tôi.
 
Giàng Khánh Sơn có lẽ cũng như nhiều người trong chúng ta hiện nay, mỗi khi cảm thấy bất lực trước một tệ nạn nào, đều lảng tránh bằng cách chép miệng và đổ lỗi cho “cơ chế” và đồng tiền:
 
Biết làm sao được, thời buổi cơ chế mà. Nếu không vậy thì với mức lương công chức như hiện nay,  bao giờ mới xây được nhà to, mua được ô tô đẹp. Chỉ khổ cho cánh dân nghèo chúng tôi thôi. Tôi có đứa em tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm loại khá đã 2 năm mà chưa xin được việc chỉ vì không có tiền. Còn nhiều đứa bạn khác dù kết quả học kém hơn nhưng vẫn xin được việc trước chỉ vì có tiền thôi.Thời buổi này, tôi không thấy ai có thể vác hồ sơ không đi xin được việc cả, trừ ""con ông cháu cha""…Có vô số chuyện khác tương tự như thế nữa đó...
 
 
Thuốc không đắng, sao giã được tật
 
Những cái gọi là “văn hóa” không giống ai đó, tiếc thay lại luôn có đất để ngày càng lây lan thành căn bệnh khó chữa. Trách nhiệm rõ ràng không thể chỉ của riêng ai, bởi không một người nào có thể đứng ngoài cuộc trong một xã hội chung vẫn luôn trong tiến trình vận động phát triển đi lên như hiện nay.
 
Trần Cường đúc kết lại các hiện tượng liên quan tới chữ “liêm sỉ” ở ta bằng mấy chữ mà như có sức nặng ngàn cân:
 
Thử hỏi 1.000 quan chức thì có mấy vị không nhận quà?
 
Phạm Văn Tiến có một kết luận khác song cũng có điểm chung tương tự:
 
Có người ví von thế này: Tham nhũng, tiêu cực là một căn bệnh ung thư trong cơ thể. Nếu phát hiện sớm, cắt bỏ đi thì có thể chữa đuợc. Tuy nhiên ở Việt Nam, mặc dù phát hiện sớm nhưng lại không thể cắt bỏ đi được...
 
Ngọc Trai mở rộng vấn đề ra tầm thế giới, đồng thời mách nước một giải pháp xem ra rất đơn giản nhưng lại vẫn bị coi là khó ở VN:

Tham nhũng, hối lộ xảy ra ở tất cả các nước trên thế giới. Nên nói rằng chúng ta sẽ xóa được tệ nạn này thì theo tôi đó là “khoa học giả tưởng”. Các quan chức nhận hối lộ ở Trung Quốc đã bị tử hình, nhưng tình trạng vẫn tiếp diễn đó thôi. Cách làm hay nhất, như ở các nước phát triển là: công khai tài sản các quan chức, giới hạn nhiệm kỳ cho các chức vụ cao cấp thông qua lá phiếu bầu của người dân và nên bầu trực tiếp...
 
Hung nhấn mạnh vai trò ý thức của người dân về chính quyền lợi cũng như trách nhiệm của mình trước mọi vấn đề của xã hội, song hành với vai trò của truyền thông:
 
Muốn bớt gian và tham thì phải làm cho họ muốn gian cũng khó mà muốn tham cũng khó. Làm thế nào? Một bộ máy cũng như 1 con người, một bộ máy tốt cũng như 1 người tốt, một bộ máy xấu như 1 người xấu. Tốt là khi cái tốt át được cái xấu và ngược lại. Người tốt sẽ cố gắng sửa những cái xấu của mình, còn người xấu thì không (nếu có thì đã không thành người xấu). Do vậy việc chống tham nhũng, theo tôi, chỉ mong chờ ở người dân, nhưng phải mất rất nhiều thời gian. Phải đến khi nào người dân biết mình có quyền lợi gì, trách nhiệm gì... Báo chí là nơi có công cụ, có trí thức, bằng hết sức mình hãy làm cái "loa" cho dân. Đó là 1 vài suy nghĩ của tôi.
 
Hungtini2003 nêu rõ quan điểm: cái tích cực của đa số cần phát huy tác dụng để có thể áp đảo được cái tiêu cực của thiểu số (dù có quyền và lực):
 
Chuyện không mới nhưng rất đáng nói, càng đáng nói đối với xã hội Việt Nam hiện nay. Giống như ngày xưa, xã hội luôn có người tốt, người xấu, có quan thanh liêm, quan tham. Nhưng số quan tham phải là số ít và phải biết sợ quan thanh liêm thì xã hội mới có trật tự. Nêu vấn đề này vào lúc này đáng để các bác làm quan chức suy ngẫm, xem mình thuộc loại quan nào và nếu là quan tham thì mình còn biết sợ không.
 
Nguyễn Nguyên một lần nữa khẳng định cần sự vào cuộc toàn xã hội, mới mong đẩy lùi được những vấn nạn tiêu cực đã trở nên “chuyện thường ngày ở huyện”. Đặc biệt là vai trò đầu tàu gương mẫu của những người được giao quyền lớn hơn gắn với trách nhiệm cũng lớn hơn.
 
Theo tôi, ai cũng phải nhìn lại chính mình, danh có chính thì ngôn mới thuận. Hàng ngày, đọc báo, nghe đài, thấy toàn người nói là phải làm thế này, không nên làm thế khác. Tôi hay tự hỏi rằng: những người đi khuyên người khác ấy đã thực sự xứng đáng chưa, họ có nằm trong số "một bộ phận không nhỏ" không. Mong muốn của tôi là ở bất cứ cơ quan đơn vị nào, người đứng đầu phải là tấm gương thực sự cho tất cả cấp dưới noi theo. Chứ chỉ nói người mà chẳng nói gì đến mình thì cũng là vô liêm sỉ.
 
Tựu trung lại, điều khiến ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương lo lắng nhất: Tuy số người trọng liêm sỉ có nhiều nhưng số người vô liêm sỉ cũng… không ít. Và đáng lo nhất là trong số đó có một bộ phận cán bộ có chức quyền. Dư luận còn lo hơn nhiều, bởi như họ đã nêu rõ rằng “một bộ phận” như ông Hùng nói thật ra còn nhiều hơn thế…
 
Vậy xem ra những người không có chức, có quyền muốn giữ liêm sỉ cho mình cũng khó lắm thay? Và có lẽ cuộc đấu này dẫu không có mùi súng đạn, nhưng vẫn khó bề cân sức lắm thay!
 Theo dân trí
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Xuất hiện giống tiêu “lạ” cho năng suất vượt trội

Vườn tiêu của ông Vũ Văn Hiệu, ở thôn Thuận Hưng, xã Thuận Hạnh, huyện Đăk Song thường xuyên đón tiếp nhiều khách đến tham quan, tìm hiểu gần đây khi trong vườn xuất hiện giống tiêu “lạ” cho năng suất rất cao. Theo đó, cả vườn tiêu 300 trụ đã 3 năm tuổi thì có khoảng 10 trụ “đột biến” cho trái...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây