Đi du lịch, nghỉ ngơi vào những dịp lễ, Tết là phải chịu cảnh đông đúc, đắt đỏ hơn bình thường. Biết vậy song thực tế diễn ra nhiều khi vượt xa mọi dự liệu trước đó của du khách. Du khách đến với vịnh Hạ Long năm nay chưa kịp thưởng lãm thắng cảnh vừa được vinh danh là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới cũng như lễ hội Carnaval sôi động thì đã bị “hét” giá phòng cao gấp 5-6 lần bình thường.
Với “nhát chém” này thì những nỗ lực tạo điều kiện thu hút du khách đến với vịnh Hạ Long năm nay như miễn phí vé tham quan, miễn phí truy cập wifi... dường như không còn giá trị. “Du lịch chặt chém”, “du lịch hành xác”... đã trở thành “thương hiệu” không mong muốn của nhiều điểm du lịch nổi tiếng của nước nhà.
Tai tiếng về “du lịch chặt chém” hay “du lịch hành xác” thực sự đã trở thành vấn đề báo động khi diễn ra hiện tượng khá phổ biến dịp 30-4 và 1-5 vừa qua là nhiều công ty du lịch chuyên nghiệp, có uy tín phải xin hủy tour, hủy vé máy bay và hủy phòng đặt trước. Lý do là du khách bỏ tour nội địa để chuyển sang tour đi các nước láng giềng vì không chấp nhận giá cả vô tội vạ ở trong nước.
“Du lịch chặt chém” đã trở thành một vấn đề bức xúc, nhức nhối khá lâu nay song các cơ quan hữu trách vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để giải quyết. Phải chăng cơ quan quản lý bó tay, để nạn chặt chém dần hủy hoại nền “công nghiệp không khói” của nước nhà?
Câu trả lời là không. Bằng chứng là ở những địa phương quản lý và kiểm soát gắt gao đều đã giảm đáng kể tệ nạn này. Thực tế là cơ quan quản lý ở nhiều địa phương hoặc lỏng tay hoặc chưa ý thức được tác hại của nạn “chặt chém” đối với ngành du lịch.
Có những địa phương đã chi số tiền rất lớn để quảng bá, xúc tiến cho du lịch song lại buông lỏng quản lý những đơn vị, cơ sở làm công tác dịch vụ du lịch tại địa phương nên dẫn tới nghịch cảnh người xây chẳng bằng kẻ phá.Chỉ nhìn vào sự bức xúc của du khách cũng đủ thấy rằng danh thắng có nổi tiếng đến đâu, quảng bá và xúc tiến có tốn kém thế nào đều không thể mang lại hiệu quả mong muốn nếu cứ để cho những kẻ mờ mắt vì đồng tiền có đất “chặt chém”, “hành hạ” du khách.
Theo NLD